Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn nở tĩnh mạch trong túi da chứa tinh hoàn (bìu). Tình trạng này tương tự như suy giãn tĩnh mạch chân.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh ít gặp ở bé trai dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp ở tuổi dậy thì và thanh thiếu niên, và hiếm gặp sau tuổi thanh thiếu niên. Hầu hết tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ xảy ra ở bên trái do đường dẫn máu từ tinh hoàn trái. Trong một số trường hợp, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở bên phải hoặc cả hai tinh hoàn.

 

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy ra ở bên trái bìu.

TRIỆU CHỨNG

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có triệu chứng, không gây đau, không gây bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào và không cần điều trị. Tình trạng này có thể được phát hiện bởi bệnh nhân, hay cha mẹ hoặc bác sĩ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình đánh giá khả năng sinh sản khi trưởng thành.

Điều trị có thể được chỉ định nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh:

Gây đau
Gây kém phát triển hoặc co rút tinh hoàn (teo tinh hoàn)
Ảnh hưởng đến khả năng làm cha (khả năng sinh sản).
Đau hiếm khi xảy ra và nếu có thì:

Thay đổi từ đau nhói đến đau âm ỉ ở bìu
Đau thêm khi đứng hoặc hoạt động gắng sức
Đau tăng dần trong ngày
Hết đau khi nằm ngửa.
Co rút tinh hoàn bị ảnh hưởng (teo): phần lớn tinh hoàn được cấu tạo từ các ống sinh tinh. Khi bị tổn thương, do giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn sẽ co rút và mềm hơn. Nguyên nhân gây co rút tinh hoàn hiện không rõ, nhưng các van bị rối loạn chức năng sẽ làm ứ máu trong các tĩnh mạch. Tình trạng ứ máu này làm tăng áp lực trong tĩnh mạch gây tổn thương tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do giảm lưu lượng máu và tăng nhiệt độ của tinh hoàn. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự hình thành, khả năng di chuyển (độ di động) và chức năng của tinh trùng, do đó tinh hoàn sản xuất ít tinh trùng hơn và tinh trùng được tạo ra có thể không khỏe mạnh. Điều trị sớm có thể giúp tạo tinh trùng khỏe mạnh hơn và thậm chí giúp tinh hoàn hồi phục.

CÁCH THỰC HIỆN CHẨN ĐOÁN?

Thông thường, việc chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh tương đối đơn giản. Bác sĩ sẽ xem xét chi tiết bệnh sử và đặt câu hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân, nếu có.

Việc thăm khám của bác sĩ rất quan trọng để loại trừ hoặc xác nhận tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bác sĩ sẽ thăm khám cẩn thận bộ phận sinh dục ngoài. Búi tĩnh mạch bị sưng và rối trong bìu mà bác sĩ có thể sờ thấy rõ ở tư thế đứng hoặc khi kéo căng, giúp xác định tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Các tĩnh mạch bị sưng như một “búi giun”. Cả hai tinh hoàn cần được khám để so sánh kích thước. Tinh hoàn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh thường nhỏ hơn.
Khảo sát siêu âm. Tình trạng máu chảy ngược trong tĩnh mạch ở tinh hoàn bị sưng thường được xác nhận qua siêu âm bìu.
Tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh bên phải đơn độc rất ít gặp. Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm, đó có thể do khối u thận gây ra nên cần siêu âm thận để loại trừ.

PHÂN LOẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh hiện không rõ. Tình trạng này xảy ra khi các van một chiều của tĩnh mạch trong bìu, có tác dụng cho phép dòng máu chảy ngược với trọng lực từ tinh hoàn và bìu trở về tim, bị rối loạn chức năng. Kết quả là làm cho các tĩnh mạch mở rộng (giãn nở) gây giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được chia thành 3 mức độ:

Chỉ có thể sờ thấy bằng tay khi kéo căng (độ I)
Có thể sờ thấy bằng tay khi thả lỏng (độ II)
Có thể nhìn rõ ở khoảng cách xa, ngay cả khi nghỉ ngơi hoàn toàn (độ III).
ĐIỀU TRỊ

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được điều trị bằng phẫu thuật hoặc nút mạch, tuy nhiên việc điều trị thường không được chỉ định.

Các trường hợp rõ ràng được chỉ định để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh ở độ tuổi thanh thiếu niên bao gồm teo tinh hoàn tiến triển, đau, sưng rõ rệt hoặc cơ thể khó chịu, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ bất thường.

Nếu bệnh nhân không có các tiêu chí trên thì không cần phẫu thuật. Bệnh nhân nên khám với bác sĩ hàng năm cho đến khi có thể phân tích tinh trùng.

PHẪU THUẬT

Phẫu thuật giúp làm tắc tĩnh mạch bị giãn để ngăn dòng máu từ tinh hoàn. Sự tắc nghẽn này làm chuyển hướng dòng máu đến các tĩnh mạch khỏe mạnh. Điều này có thể được thực hiện:

Qua một đường rạch nhỏ ở vùng bẹn bằng phương pháp vi phẫu
Qua nhiều đường rạch nhỏ với dụng cụ nội soi.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố gắng bảo vệ các cơ quan lân cận gọi là mạch bạch huyết. Những cấu trúc nhỏ này thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng mang bạch huyết, là một chất lỏng trong suốt màu vàng, được lấy ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Nếu bị tổn thương, bạch huyết không thể lưu thông đúng cách và có thể gây ra các biến chứng. Phẫu thuật này, gọi là phẫu thuật cắt tĩnh mạch thừng tinh bảo tồn bạch huyết, giúp giảm nguy cơ gây biến chứng.

https://115ask.com/gian-mach-thung-tinh-la-gi-co-chua-duoc-khong.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

cat bao quy dau co dau khong chua the nao

trung quoc phong toa thanh pho vi covid

Bị mụn lưng phải làm sao